Theo thống kê sơ bộ của Bộ Công Thương, trong 8 tháng đầu năm, tổng kim ngạch nhập khẩu thép ước đạt 12,6 triệu tấn và kim ngạch 5,26 tỷ USD, tăng 27,3% về lượng và tăng 2,1% về kim ngạch so với cùng kỳ năm trước.
Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu thép chính của các doanh nghiệp Việt Nam, chiếm 59%, kế đến là Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc). Nga đã vươn lên vị trí thứ 5 trong số các nước cung cấp thép nhập cho thị trường Việt Nam.
Được biết, giá nhập khẩu sắt thép trong nước đã tiếp tục tăng 4 tháng liên tiếp. Cụ thể, giá sắt thép tháng 8/2016 tăng 2,4% so với tháng trước nhưng giảm 7,37% so với tháng 8/2015.
Cũng theo số liệu từ Bộ Công Thương, so với tháng 8 vừa qua, giá thép nhập khẩu từ 3 thị trường chính Trung Quốc, Nhật Bản và Nga tiếp tục tăng thêm lần lượt là 1,43%, 1,78% và 2,4%. So với cùng kỳ năm trước, giá nhập khẩu từ Trung Quốc giảm ít nhất với 17,22% do giá nhập khẩu những tháng gần đây tăng, từ Nhật Bản giảm 18,3%, từ Nga giảm 28,83%.
Trong nửa đầu năm nay, Trung Quốc đã sản xuất 339,5 triệu tấn thép, chỉ giảm 1,1% so với cùng kỳ năm trước và giảm ít hơn so với dự đoán.
Tuy nhiên, so với cùng kỳ năm ngoái, Trung Quốc lại xuất khẩu lượng thép lớn hơn, với 57,2 triệu tấn thép thành phẩm, tương đương 14% của gần 400 triệu tấn thép thô nước này sản xuất trong 6 tháng đầu năm, cao hơn so với 52,3 triệu tấn so với cùng kỳ năm 2015.
Hiện tại, trên thị trường toàn cầu, sản lượng thép thô giảm hầu hết các khu vực trong tháng 6 và so với năm trước với sức giảm mạnh nhất nhận thấy ở EU và Nam Mỹ. Sản lượng tăng hơn ở Trung Quốc, Ấn Độ và Nhật Bản giúp sản lượng của châu Á tăng so với tháng 5.
Nhìn chung, sản lượng thép thô của 66 quốc gia có thông báo với hiệp hội thép Thế giới đạt 135,7 triệu tấn trong tháng 6, giảm 2,5% so với tháng 5.
Cách đây 2 tháng, Bộ Công Thương đã quyết định chính thức áp thuế tự vệ với mặt hàng phôi thép và thép dài nhập khẩu để "chặn" thép giá rẻ từ Trung Quốc. Thời gian áp thuế có hiệu lực tới hết tháng 3/2020.
Nguồn tin: Doanh nhân
Viết bình luận